Cuộc đời Mãn Đạt Hải

Thiếu niên chinh chiến

Năm Sùng Đức thứ 5 (1640), ông tham gia cuộc bao vây Cẩm Châu, đánh bại viện binh tại Hạnh Sơn, lại dùng Hồng y đại pháo đánh tan địch quân tại Tùng Sơn[7].

Năm thứ 6 (1641), ông được phong làm Phụ quốc công (辅国公)[3]. Theo Túc Thân vương Hào Cách vây công Tùng Sơn và đại phá địch quân ở Tùng Sơn. Quân Minh chủ động tấn công đại doanh Tương Hồng kỳ cũng bị ông đánh lui. Hồng Thừa Trù suất lĩnh 13 vạn quân đến cứu viện, đại chiến cùng quân Thanh ở Tùng Sơn. Mãn Đại Hải dùng bộ chiến đánh tan ba đạo quân, Hồng Thừa Trù tiếp tục đưa quân đến đều bị đánh lui. Ngựa chiến của Mãn Đạt Hải bị thương, quân Minh dồn lực tấn công đến như vũ bão, quân Thanh không chống cự được, Mãn Đạt Hải chịu trách nhiệm bọc hậu để quân Thanh rút về. Quân Minh được đà tấn công đến, bị ông suất quân đánh lui.

Tổng binh Ngô Tam Quế dựa núi bày trận, Mãn Đạt Hải cùng chư Vương kết hợp đánh tan quân Minh dưới trướng Ngô Tam Quế, trong đêm đó, Ngô Tam Quế cùng tàn binh bỏ chạy[8].

Tháng 11, ông theo Dự Quận vương Đa Đạc đến Ninh Viễn, gặp phải quân Minh đang vận chuyển lương thực trên biển, lập tức suất quân đoạt lấy.

Năm thứ 7 (1642), ông theo Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng đánh hạ Tháp Sơn (塔山).

Năm thứ 8 (1643), ông được bổ nhiệm làm Thừa chính Đô sát viện[9].

Nhập quan nam hạ

Năm Thuận Trị nguyên niên (1644), ông theo Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn suất quân nhập quan, đại bại quân Đại Thuận của Lý Tự Thành, luận công được phong làm Bối tử (貝子)[10]. Sau đó ông lại theo Anh Thân vương A Tế Cách đuổi theo Lý Tự Thành đến Tuy Đức[11]. Cùng năm, ông nhậm chức Tả đô Ngự sử[12].

Năm thứ 2 (1645), tháng 2, ông liên tục hạ được ba thành của Diên BiênDiên An, đuổi theo Lý Tự Thành đến Hồ Quảng. Tháng 8, đại quân thắng lợi trở về.[13]

Năm thứ 3 (1646), ông theo Hào Cách thảo phạt Trương Hiến Trung, từ Hán Trung tiến vào Tần Châu, chiêu hàng được bộ tướng Cao Như Lệ (高如砺) của Trương Tiến Trung. Đại quân tiến đến Tây Sung (西充), sau khi truy kích trảm đầu Trương Hiến Trung, ông lại theo Kính Cẩn Thân vương Ni Kham chia đường tiêu diệt toàn bộ tàn quân, bình định vùng Tứ Xuyên.[14]

Năm thứ 5 (1648), đại quân thu binh khải hoàn về triều.

Thừa tập tước vị

Năm thứ 6 (1649), phụ thân ông qua đời, ông được tập tước Lễ Thân vương đời thứ 2[15].

Hàng tướng Khương Tương làm phản ở Đại Đồng, ông cùng Khiêm Quận vương Ngõa Khắc Đạt suất quân thảo phạt, ông được phong làm "Chinh Tây Đại tướng quân" (征西大将军). Tháng 8, ông lần lượt hạ được Sóc Châu, Mã Ấp, chiêu hàng Ninh Vũ quan ngụy Tổng binh Lưu Vĩ (刘伟), hơn 50 quan viên dưới trướng và hơn 5400 nhân mã. Ninh Hóa sở, Bát Giác bảo, Tĩnh Nhạc huyện cũng lần lượt được bình định. Ông hội quân cùng Đoan Trọng Thân vương Bác Lạc, thu phục Phần Châu (汾州). Sau khi Khương Tương bị tru sát, Đại Đồng được bình định.

Tháng 10, ông sai Hộ quân Thống lĩnh Tác Hồn (索浑) vây công Bình Dao, ngụy Tri huyện Lưu Tam Nguyên (刘三元) bỏ thành chạy trốn. Ông lại phái Hộ quân Thống lĩnh Hi Nhĩ Căn (希尔根) vây Thái Cốc, dùng Hồng y đại pháo phá thành, ngụy Tri huyện Lý Thành Thái (李成沛), ngụy Đô ti Ngô Thành (吴成) cũng đều bỏ thành chạy trốn, ông sai quân đuổi theo tiêu diệt. Ông lại phân binh vây công và hạ được Liêu Châu. Các huyện xung quanh như Đồn Lưu, Tương Viên, Du XãVũ Hương đều bị xin hàng[16]. Đa Nhĩ Cổn phái Ngõa Khắc Đạt ở lại tiêu diệt tàn quân, Mãn Đạt Hải trở về kinh sư.[17]

Năm thứ 8 (1651), Thuận Trị Đế thân chính và cải hào của Mãn Đạt Hải thành Tốn Thân vương (巽親王)[18][19], quản lý Lại bộ.

Năm thứ 9 (1652), ngày 6 tháng 2 (âm lịch), giờ Tị, ông qua đời khi mới 31 tuổi, được truy thụy Tốn Giản Thân vương (巽简親王)[20].